News
Ví điện tử: Cơ hội và thách thức
26/02/2021
Tính đến thời điểm hiện tại đang có 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Điều này khiến cho thị trường trở nên vô cùng đông đúc và ai cũng mong rằng một trong số họ sẽ thành công và trở thành những Alipay hay Wechat Pay ở Trung Quốc.
Mặc dù ví điện tử đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh về lượng người dùng nhưng đằng sau câu chuyện này lại là một thế giới vô cùng khác. Thực tế cho thấy cuộc cạnh tranh đang ở giai đoạn vô cùng khốc liệt, hầu hết các ví đều nỗ lực thu hút người dùng bằng nhiều chính sách nhưng chủ yếu là khuyến mại khiến các ví lỗ nặng. Không giống Alipay hay WeChat Pay – vốn có thể tận dụng hàng triệu người dùng đã có của Alibaba và WeChat, những công ty ví điện tử của Việt Nam phải mua người dùng “từng chút một”. Các ví đều đang gặp phải là lòng trung thành của khách hàng quá thấp, người dùng tìm đến ví có khuyến mại, hưởng thị hết lợi ích là từ bỏ và tìm đến ví khác. Điều này dẫn đến việc các ví phải liên tục khuyến mãi để giữ người dùng khiến cho cuộc chơi ngày càng nóng và thua lỗ nặng. Vậy các ví tồn tại được nhờ điều gì?1. Thu phí
Trong khi một số cái tên đã khá phổ biến và có thị phần tương đối lớn như Momo đã bắt đầu thu phí nhiều loại dịch vụ thì những ví điện tử mới ra đời trong vài năm trở lại đây không chỉ miễn các loại phí duy trì tài khoản mà còn chấp nhận không thu phí các dịch vụ chuyển, rút/nạp tiền và phí thanh toán dịch vụ. Ví dụ như ZaloPay hiện tại đang miễn phí hầu như toàn bộ các dịch vụ từ phí thường niên, phí chuyển tiền, rút/nạp tiền,… dành cho các tài khoản cá nh🍃ân. Moca miễn phí các dịch vụ chuyển tiền, nạp tiền cho toàn bộ tài khoản ngân hàng và thẻ nội địa; với các thẻ quốc tế sẽ chịu mức phí khoảng 2% các giao dịch.
2. Hoa hồng % từ cung cấp dịch vụ
Có thể khác nhau về bộ máy quản lý hay định hướng kinh doanh, nhưng ví điện tử nào cũng sẽ có những tính năng chính như: Nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua thêm dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử …Với tính năng nạp tiền điện thoại, các nhà mạng luôn có % chiết khấu rất hấp dẫn cho đại lý, đặc biệt là những cổng thanh toán có lượng giao dịch cao. Các ví điện tử sẽ sẵn sàng “chia sẻ” từ 4% đến 5% tiền hoa hồng trực tiếp cho khách hàng, nhưng vẫn giữ lại cho mình một khoản chênh lệch đáng kể.
3. Kiếm lợi nhuận từ dòng tiền tại Ví
Điều này có nghĩa là khi bạn nạp tiền vào ví và những đồng tiền chưa sử dụng này sẽ được các Ví sử dụng và tạo ra lợi nhuận. Bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới cũng hoạt động dựa trên 2 nguyên tắc giả định: Tất cả khách hàng sẽ không rút tiền cùng một lúc và mỗi khách hàng sẽ không bao giờ rút sạch tiền trong tài khoản. Với giả định trên, ngân hàng luôn có một khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư kiếm thêm lợi nhuận, đa phần thông qua dịch vụ tín dụng với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Và đó chính là mục tiêu lớn của ví điện tử, tất cả mô hình hiện tại đều hướng tới việc trở thành một “ngân hàng online”.
Ngoài ra các ví cũng có thêm các khoản thu khác như:
– Yêu cầu đối tác cung cấp dịch vụ trả phí để “giữ chỗ” trên ứng dụng.
– Thu khoảng 1%/mỗi giao dịch tại đơn vị bán hàng.
– “Bán” không gian trong ứng dụng cho các bên quảng cáo thứ 3, phí có thể cố định trong một khoảng thời gian hoặc dựa trên số lượt xem/ lượt nhấp vào quảng cáo.
– Tổ chức các chương trình bán hàng “độc quyền”, thường là các sản phẩm có chi phí hoạt động cao như vé xem phim, trà sữa …
Nguyễn Hữu Bình